Theo nghiên cứu của Cơ quan an toàn giao thông Mỹ AAA Foundation, 21% các vụ tai nạn chết người là do tài xế buồn ngủ. Với vô lăng chống buồn ngủ, hi vọng tình trạng này sẽ sớm được giải quyết.
Thiết bị này gồm có một lớp mỏng các cảm biến phát triển bởi Guttersberg Consulting đặt bên trong vô-lăng, ngay dưới lớp da hoặc nỉ. Có một dòng điện yếu chạy xuyên qua lớp cảm biến này. Khi tài xế cầm và tác dụng lực khiến các lớp chạm nhau, tạo thành dòng mạch ngắn. Các cảm biến này sẽ theo dõi cường độ, tần số và vị trí của những lần chập mạch, nắm được thói quen của lái xe.
Nguyên lý hoạt động của vô lăng chống buồn ngủ này khá đơn giản. Nhà sản xuất Hoffman and Krippner của Đức giải thích rằng: Khi lái xe, họ sẽ phải tác động một lực nhất định vào vô lăng và phải có sự chuyển động của hai cánh tay. Nếu tình trạng buồn ngủ xảy ra, thậm chí đau tim hay đơn giản chỉ là mất tập trung, lực tác động sẽ giảm bớt và tay của họ sẽ ít chuyển động hơn nhờ tích hợp dải cảm ứng điện trở vào vô lăng kết hợp với cảm biến thông minh, để nhận biết khi nào lái xe buồn ngủ và đưa ra cảnh báo.
Hãng cũng cho biết, hệ thống này có thể hoạt động tốt ngay cả khi tiếp xúc với các yếu tố từ môi trường như bụi, cát, mồ hôi, nhiệt độ thay đổi. Ngay cả khi tài xế đeo găng tay thì hệ thống vẫn có thể nhận diện được.
Bên cạnh đó, hệ thống còn xây dựng để cung cấp 10 “hotspots” trên vô-lăng, nơi tài xế có thể chạm vào để kích hoạt các chức năng như giải trí hoặc kiểm soát giao tiếp như tắt/bật radio, chỉnh âm lượng, điều chỉnh điều hòa… Công nghệ này có thể phân biệt từng mức độ chạm/ nhấn để ra lệnh.
Người phát ngôn của Hoffman & Krippner cho biết phải mất thêm một thời gian nữa vô lăng chống buồn ngủ mới được bán rộng rãi và sẽ ưu tiên ở những dòng xe cao cấp trước. Hiện hãng vẫn đang thử nghiệm và đăng ký bản quyền cho hệ thống trên.