Vừa qua Tổng cục thuế đã có công văn gửi các Cục thuế địa phương yêu cầu kiểm tra, ra soát các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối ô tô nếu có hanh vi trốn thuế sẽ bị xử lý nghiêm ngặt.
Đợt kiểm tra của Tổng cục thuế vừa qua tại Công ty Euro Auto, nhà nhập khẩu xe sang BMW tại Việt Nam. Tổng cục thuế đã phạt 6,6 tỷ đồng, lý do là doanh nghiệp này đã điều chỉnh giá bán thấp hơn với giá giao dịch thông thường.
Một số doanh nghiệp cũng bị đưa vào tâm ngắm kiểm tra về hành vị trốn thuế
Một số chiêu trò trốn thuế cũng được các doanh nghiệp sử dụng như sau khi làm thủ tục xong, xe nhập khẩu sẽ được lắp đầy đủ trang thiết bị đúng như thiết kế của nhà sản xuất. Các thiết bị cao cấp trên xe có thể sẽ được nhập riêng. Với cách làm này thì giá thuế có thể giảm tới 15% qua đó các khoản thuế phí phải nộp cũng giảm. Sau khi lắp ráp toàn bộ trang thiết bị giá bán sẽ được đẩy lên cao.
Cách thứ 2 là trốn thuế qua trung gian ví dụ như nhà phân phối ô tô nhập khẩu từ CHLB Đức có văn phòng tại Thái Lan có thể phụ trách việc phân phối xe cho cả khu vực Đông Nam Á.
Hiện tượng chuyển giá, trốn thuế thường được các DN thực hiện khi nhập khẩu ô tô, linh kiện từ các quốc gia có thuế suất thấp hơn Việt Nam
Công ty này có thể thành lập công ty con, hoặc chỉ định một công ty tại Việt Nam làm nhà phân phối độc quyền. Như vậy, việc xin giấy ủy quyền từ chính hãng không khó. Tuy nhiên, khi giao dịch, công ty tại Thái Lan có thể viết hóa đơn bán ô tô cho công ty tại Việt Nam, với giá khác giá mua từ chính hãng.
Chẳng hạn, công ty phân phối xe tại Thái Lan mua xe từ nhà sản xuất chính hãng với giá 20.000 USD/xe, nhưng khi bán cho công ty con tại Việt Nam, có thể ghi giá thấp xuống còn 15.000 USD/xe và giá này sẽ được coi là giá tính thuế xe nhập. Với cách làm như trên, chi phí thuế sẽ giảm theo.
Cần kiểm tra giá khi khai hải quan
Theo tính toán, một chiếc xe sang có dung tích xi lanh 3.0L, chỉ cần giảm giá tính thuế nhập khẩu 5.000 USD thì sẽ trốn được khoảng 10.000 USD thuế các loại.
Đó là những cách trốn thuế quen thuộc, dễ dàng mà các DN nhập khẩu ô tô thường thực hiện. Những cách làm này không có gì mới và đã được đề cập đến nhiều trong lĩnh vực kinh doanh ô tô thời gian qua, nhưng hầu như không có trường hợp nào bị phát hiện.
Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thời gian qua đã từng đề xuất các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Theo đề xuất này thì cần kiểm tra giá ô tô nhập khẩu khai hải quan. Mục đích chính là tránh hiện tượng các nhà nhập khẩu khai giá xe thấp để trốn thuế và gian lận.
Tuy nhiên, không chỉ các DN nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, mà tại các DN FDI cũng có tình trạng tương tự. Kết quả điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) năm 2014 cho thấy, tại Việt Nam, ngành ôtô và linh kiện có tỷ lệ chuyển giá cao lên đến 51%, xếp thứ 3, sau tài chính bảo hiểm và dệt may.
Do tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại Việt Nam còn thấp, nên các linh kiện chủ yếu phải nhập khẩu từ các công ty đa quốc gia và thường được định giá do công ty mẹ. Việc định giá cao bộ linh kiện nhập khẩu sẽ khiến cho chi phí đội lên, làm giá thành tăng, giảm lợi nhuận, qua đó các DN ô tô giảm được thuế thu nhập DN.
Hiện tượng chuyển giá, trốn thuế thường được các DN thực hiện khi nhập khẩu ô tô, linh kiện từ các quốc gia có thuế suất thấp hơn Việt Nam, báo cáo do VCCI và USAID nhận xét.
(Theo dantri)